Lọc Truyện

Quay Lại Tuổi 17 Để Cứu Rỗi Chính Mình

Sáng sớm. Thời tiết hôm nay mát mẻ vô cùng, không bị nắng. Trận đấu buổi sáng của tứ kết sẽ diễn ra suôn sẻ chứ?

Vừa dắt xe ra ngoài, bắt gặp bố đứng trầm ngâm ở ngoài sân. Tôi tiến lại gần: "Bố nhìn gì thế?"

Ông xoa cằm, bộ râu mới được cạo sạch sẽ: "Đang tính xem xây thêm tầng nữa ở trên kia thì có nên dỡ mái tôn này đi làm lại không."

Như sét đánh ngang tai, tôi sững người: "Không cần... Thực sự không cần đâu." Xua tay nguây nguẩy.

"Ừ nếu làm lại mái tôn che sân thì hơi tốn tiền thật." Bố gật gù.

"Ý con là không cần sửa nhà đâu." Tôi ra sức ngăn cản.

Tại sao lại thế này? Tại sao bố lại đòi sửa nhà sớm thế này? Tôi đâu có làm nhân tố thúc đẩy giống năm ấy đâu?

"Bố chọn màu xanh mint đi bố." Tôi hớn hở xen vào khi mọi người đang xem cuốn tập màu sơn nhà.

"Màu đấy không hợp phong thuỷ với bố. Màu vàng nhạt này thấy sao?" Bố tôi lật sang trang khác.

Tôi giờ chứng trẻ con náo loạn lên: "Không, con thích màu xanh kia cơ."

Cuối cùng bố cũng chọn theo ý tôi. Và,... không có sau đó nữa. Tai nạn xảy ra trong lúc bố tôi tự bắc thang lên sơn lại một chút trần nhà. Lúc ấy căn nhà mới đã gần xong xuôi đến nơi, chỉ còn một chút nữa thôi.

Giữa ánh chiều tà sầm xuống nhuốm màu đỏ chót, tiếng xe cấp cứu ing ỏi trên đoạn đường dài. Tôi nước mắt ngắn dài tự mình phi xe đằng sau cho dù mẹ tôi có ngăn cản đến thế nào.

Đứng trước cửa phòng chụp X-Quang, tôi như chết đứng khi nghe lời thì thầm của bác sĩ: "Bệnh K kia đã may mắn lành lặn đến thế này là một điều kỳ diệu đáng có, tiếc thay lại..."

Bố đã chống chọi với căn bệnh K quái ác suốt một năm trời đi đi lại lại để truyền hoá chất, tóc cũng bạc dần, người gầy gộc ốm yếu. Đến khi truyền xong, căn bệnh dần được đẩy lùi, bệnh tình chuyển biến tốt, thì kiếp nạn mới chính thức ập đến. Ông trời cho người ta hi vọng, rồi bất thình lình dập tắt. Trong thoáng chốc, người hạnh phúc nhất là tôi khi buổi sáng nhận được tin báo điểm thi cuối kỳ vô cùng cao, buổi tối lại thành kẻ mất cha còn chẳng kịp đợi con gái khoe thành tích ấy.

Tiếng píp píp máy thở dưới nhà khiến thần trí tôi trở lên điên loạn. Tôi chợt nhớ đến hai chữ "phong thuỷ" kia. Hai mắt đỏ ngầu giận dữ, tưởng chừng như mạch máu sắp vỡ ra đến nơi. Tôi gào lên trong vô vọng. Anh tôi đẩy cửa chạy vào, vực người tôi dậy đau đớn nói: "Xuống nhà đi, lần cuối rồi."

Anh cõng tôi xuống trước ánh nhìn của rất nhiều người, có người lạ có người quen, ngồi đầy một căn phòng. Trên giường là một vị bác sĩ vẫn mặc áo blouse, chăm chăm nhìn người bệnh đang chết dần một cách bất lực.

Dì và bác gái chạy ra đỡ tôi xuống. Mẹ thều thào mãi mới nói được một câu hoàn chỉnh: "Sao lại cho nó xuống, nó không chịu được đâu."

Anh ngồi cạnh mẹ, nắm chặt tay: "Đạo làm con lần cuối cùng."

Tôi không ngồi, quỳ rạp xuống, hai mắt nhắm chặt, đầu cúi gục không dám nhìn bất cứ thứ gì. Tiếng píp píp bên tai vẫn ám ảnh đến mãi về sau. Đến giờ, máy thở bị rút ra. Người ấy chính thức rời bỏ chúng tôi rồi. Tiếng ai oán trong nhà vọng ra, không chỉ gia đình chúng tôi mà bất cứ người quen nào trong phòng cũng đều đau đớn. Tôi không gào thét, không quấy rối, trực tiếp ngất luôn ngay khi bác sĩ đọc giờ thông báo...

Trầm cảm suốt nhiều năm là điều tôi phải chịu. Bố cũng không chịu về thăm tôi lần nào, ngay cả trong giấc mơ. Bác tôi thường kể, bác hay gặp bố trong mơ lắm, bố về thăm chị gái, kể chuyện cho chị nghe. Mà lại chẳng về thăm tôi lấy một lần. Là lỗi của tôi.

Tách. Tôi giật mình. Tiếng gì bên tai vậy? Hai mắt bỗng dưng mờ mờ ảo ảo như gặp ảo giác. Bố chắp tay sau lưng, chậm rãi nói: "Cũng cần phải sửa sang lại rồi. Dù sao bây giờ cũng dư dả một chút, có khả năng thì làm luôn đi."

Thời điểm này vốn dĩ là năm sau cơ mà. Tại sao lại đến sớm như vậy? Việc tôi sống lại đã làm đảo lộn quy luật thời gian, nên thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Tôi có thể thay đổi được, tôi sẽ không để điều tồi tệ ấy lặp lại.

Tại sao?

Ngồi dưới tán ô cạnh sân bóng. Tôi chẳng tập trung nổi vào trận đấu. Móng tay ngón cái đã bị tôi cắn đến cụt ngủn. Đăng vừa thoải mái ghi bàn. Cổ động viên gào thét đến ù tai. Hai mắt tôi lại mờ đi.

"Sao đấy?" Đăng đứng chắn trước ánh nắng cho tôi. Tuy ngồi dưới bóng râm, cũng không hề nắng gắt, trán tôi lại lấm tấm mồ hôi.

"Ơ hết hiệp rồi à?" Tôi sực tỉnh lại.

"Nay có vấn đề gì phải không?" Đăng ngồi xổm xuống, ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi.

Ánh mắt không giấu được ý niệm bên trong. Tôi cụp mắt xuống, miệng cười nhẹ: "Không có. Hôm qua ngủ muộn, nay lại dậy sớm nên hơi mệt thôi."

"Vớ vẩn. Hôm qua chào tạm biệt chúc ngủ ngon lúc 11 giờ đấy nhé." Đăng thì thầm.

"Sau lúc ấy em lại mất ngủ." Tôi nói nhỏ theo.

"Tỷ số đang bao nhiêu?" Không theo dõi được trận đấu, tôi đành hỏi lại.

"1-0, bạn trai của em vừa ghi bàn, em lại chẳng thèm xem." Đăng hạ thấp giọng đến tông trầm nhất có thể.

"Được rồi. Để hiệp sau em xem nhé." Tôi kéo nhẹ đầu ngón tay anh.

Hoa và Linh thình lình xuất hiện sau khi đi vệ sinh về. "E hèm."

Tôi giật mình rụt tay lại. Đăng lập tức đứng dậy, nói: "Sao mày buồn cười thế nhỉ? Đã bảo là anh đây gánh trận này mà."

Tôi tròn mắt vì pha xử lý tình huống vụng về này của anh, đáp lại: "Có mà mày ăn may ấy."

Linh nhanh nhảu nói chen vào: "Trông nãy tình cảm lắm mà sao giờ như chó với mèo thế này?"

Tôi và Đăng đồng loạt lên tiếng: "Mày mù hả?"

"Hơ..." Linh giơ hai tay, cười gượng.

Hiệp hai sắp bắt đầu, Đăng ngúng nguẩy bỏ đi. Hoa tinh ý, đến gần bẹo má tôi, điệu cười gian xảo: "Đừng nghĩ bà đây cũng mù."

Tôi cười nhạt nhẽo, có vẻ sắp không giấu được nữa. Trận đấu này nhanh chóng kết thúc tỷ số 2-0, hiệp 2 Hải lại ghi thêm một bàn thắng nữa. Lớp tôi tiến thẳng vào bán kết ngày mai.

Buổi chiều các lớp có tiết vẫn phải lên lớp như thường. Chủ đề bàn tán của mấy ngày này chỉ có bóng và bóng. Đâu phải ai cũng được đặc cách cho nghỉ ngơi ở nhà sau trận đấu giống mấy đứa trong đội đâu. Kỳ lạ thay là Lâm và Đăng vẫn thấy đi học. Mấy con Át này điên rồi. Tôi quay xuống hỏi: "Sao không ở nhà mà nghỉ, mai còn đá bán kết?"

Đăng đổ sang đứa ngồi cạnh: "Tên này năn nỉ tao đi học."

Lâm cằn nhằn: "Giờ lý chiều nay cô chữa đề thi đội tuyển, thật sự không thể nghỉ."

"Vãi cả chữa đề đội tuyển. Thế bọn tao hiểu sao được?" Tôi nhăn nhó mặt mày, vốn dĩ đã ghét lý vì học chả hiểu cái gì rồi.

Nói mới nhớ. Cũng gần đến ngày công bố điểm thi học sinh giỏi tỉnh rồi. Càng ngày càng nhiều điều cần lo. Tôi áp lực stress muốn điên đầu, liền nằm bò ra bàn suốt cả một ca vật lý dài dẳng 2 tiếng.

Tiếng cổ vũ ầm ầm ở sân cỏ đã được giảm bớt phần nào do khu lớp học không nằm cạnh sân lớn. Sân nhỏ không để thi đấu thì nằm cạnh.

Tối về, mẹ và bố cứ bàn về vụ xây nhà. Tôi im lặng nhai thêm một miếng cơm, rồi một miếng nữa. Bụng tôi cứ cồn cào khó chịu đến mức buồn nôn dù chẳng phải đói.

Biết chẳng thế ngăn cản được việc người lớn muốn làm vì họ có những lý do mà trẻ con không bao giờ được xen vào.

Cạch. Cốc sữa nóng vừa được pha đặt trên bàn học. Tôi buông bút ngẩng lên: "Lại uống sữa ạ?"

Mẹ đứng cạnh chống nạnh, hai mắt không ngừng dò xét: "Uống luôn trong lúc sữa còn đang ấm. Đang còn tuổi ăn tuổi lớn thì phải bổ sung nhiều vào."

Tôi ngửa cổ một hơi hết sạch trong ánh mắt dịu dàng của mẹ. Mẹ tôi cười hiền rồi bê cốc sữa rỗng ra ngoài: "Học tiếp đi."

Kí ức. Kí ức về kỉ niệm với người thân trước ngày đưa tang đã biến mất hoàn toàn, chỉ đọng lại tất cả kí ức về bố. Kể cả mẹ và anh trai, tôi đều không nhớ một chút nào. Đúng là tàn nhẫn.

____________________

Bán kết.

Trận đầu bán kết lớp tôi kéo nhau đến rất sớm từ đầu giờ chiều để xem. Đăng cùng đồng bọn đến từ lâu, ngồi bệt dưới góc ô trên sân cỏ, hò hét cổ vũ. Tôi bất thình lình xuất hiện phía sau anh:

"Sung sức thế. Không giữ chút sức lực cho trận đấu của mình đi."

Đăng kéo tay tôi. Mất đà, tôi ngồi sụp xuống ngay bên cạnh anh. Lâm ngó sang, híp mắt: "Linh đâu?"

"Nó đến sau."

"Đùa hả? Còn 30 phút nữa là vào trận sau rồi." Lâm kêu lên.

30 phút là đủ để người ta đi rồi còn gì nữa. Ông nội này còn muốn người ta đến sớm giúp ông khởi động lấy tinh thần hả?

Hoa im lặng đứng sau tôi. Con bé biết thừa những gì đang diễn ra. Tôi cũng chán nản không muốn giấu nữa. Mặc dù cũng chưa từng thừa nhận. Mấy tên con trai ngồi cạnh đây cũng biết, nhưng họ không nhiều chuyện đến mức bàn tán xôn xao. Họ còn biết cả chuyện Lâm thích Linh, cũng thường xuyên trêu ghẹo tác thành cho hai người ấy, mà mọi chuyện dường như công cốc hết cả.

Lúc tôi đến cũng là giữa hiệp hai của bán kết 1 rồi. Đăng đang hết sức gào thét cổ vũ cho lớp 12K của trường bạn. Trong khi bên kia cũng là một lớp của Yên Hải II mà.

"Bên đội này có bạn của anh à?" Tôi thì thầm.

"Không có."

"Thế sao mà cổ vũ nhiệt tình quá vậy? Giữ sức chút đi." Tôi nhíu mày.

Đăng lắc đầu nguây nguẩy. Là sao vậy ba? Tôi đưa mắt nhìn khắp sân. À... Hoài Nam đang ở đội đối diện. Tên này đá cũng được phết, mỗi lần anh ta giành được bóng là Đăng bắt đầu rú lên. Lâm ngồi cạnh cũng hừng hực máu lửa, như thể muốn chạy vào tranh bóng dùm đội kia vậy.

Hai tên nhóc này...

Tuýt. Tiếng còi dài vang lên trong nhiều sự tiếc nuối hoà lẫn sự hạnh phúc khôn nguôi. Kết quả chiến thắng áp đảo thuộc về 12B Yên Hải II.

Đăng im lặng, hằm hằm đứng dậy. Tôi chớp chớt mắt, vuốt nhẹ mồ hôi trên trán rồi cũng đứng dậy. Hoài Nam cổ đeo khăn, một tay đưa lên thấm mồ hôi ròng rã, chân vững bước tiến về phía này. Đăng đang quấn băng ở cổ chân, liền ngước lên khi thấy ai đó đứng trước mặt mình.

"Ối chà, không phải con Át chủ bài bên trường bạn đây sao? Em trai có những pha ghi điểm hay lắm đấy. Nghe nói là dân chuyên hả?"

Đăng đang lườm nguýt anh ta kìa. Ánh mắt tỏ rõ sự ghét bỏ.

"Ai vậy? Không quen." Đăng thản nhiên lộ ra vẻ không thân thiết, ý là đừng có nói chuyện với tôi.

Hoài Nam thoáng chốc bối rối, rồi cười nhẹ: "Được rồi, đương nhiên là cậu đâu có quen tôi. Người bên cạnh đây quen tôi là đủ rồi." Thoắng cái đã quay ngoắt sang nhìn tôi. Tự nhiên thấy sởn gai ốc quá. Tôi chúa ghét mấy tên thế này. Tự nhiên đến khiêu khích rồi giả bộ gì vậy?

"Tôi với anh cũng chưa được gọi là quen đâu. Chạm mặt 2 lần chỉ tính là người qua đường đã từng gặp ở đâu đó thôi." Tôi nhăn nhó.

Phụt. Đăng vừa phì cười trên sự xấu mặt của Nam.

Tôi không phải xuất chúng nhưng đâu phải ai muốn động vào rồi đem ra làm trò khiêu khích là được, nhất là trong cái lúc Đăng chuẩn bị thi đấu thế này.

"Sai rồi. Bây giờ là lần thứ tư mà." Anh ta không thấy dơ hay sao mà vẫn còn phản bác lại được hả trời?

"Hai lần nào đó tôi không có để ý đến sự tồn tại của anh nên không có nhớ... Xin lỗi nhé." Tôi cười mỉm.

Hoài Nam bắt đầu sượng trân. Tất cả mọi người ở đây đều đang nhìn anh ta bằng ánh mắt soi xét. Tôi coi như là cắt đứt hẳn với mấy mối quan hệ không cần thiết phải có. Để duy trì đủ loại quan hệ lằng nhằng cũng mệt lắm, cắt bớt cho nhẹ người.

Đăng tranh thủ quấn xong băng bảo hộ, đứng dậy đối mặt với Nam. Đăng cao hơn anh ta một chút, trông có nhiều nét nam tính vạm vỡ hơn vì phải rèn luyện nhiều.

Tên này so về cả đội thì chưa biết, chứ so tài riêng thì không thể nào bằng Đăng nhà mình được. Tôi vững lòng tự an ủi bản thân vì người ta đã là ứng cử viên của chung kết, còn chúng ta thì chưa.

Bán kết 2 sắp sửa bắt đầu. Lâm vung tay vung chân, đầu cũng ngoái đi ngoái lại. Tôi chẹp miệng, lấy điện thoại ra nối máy. Đầu dây bên kia nhanh chóng bắt.

"Trận đấu sắp bắt đầu rồi đấy, nhanh lên không tao không giữ nổi chỗ đẹp cho mày nữa đâu."

"Mày nằm trong khu vực người nhà mà cũng không giữ được chỗ nữa hả? Huhuu. Thằng này đi nhanh lên coi." Linh thay đổi giọng thoăn thoắt.

"Mày đi với thằng nào à?" Tôi ngờ vực.

"Còn thằng nào. Quân chứ ai. Xe tao hỏng rồi."

À tên lớp trưởng bạn thân khác giới. Thế thì không lo.

Vài phút sau, Linh đã có mặt. Con bé thở hổn hển vì chạy một quãng đường dài từ lán xe vào sân. Quân đi gửi xe nên lúc sau cũng hớt hải chạy đến. Mang tiếng lớp trưởng mà không đến thực hiện công vụ "take care" cho các bạn thi đấu.

Lâm vừa thấy bóng dáng cần tìm, cơ mặt liền giãn ra, hừng hực khí thế mà hô lên một tiếng. Đăng ngơ ngác, đánh vào lưng thằng bạn một cái: "Điên hay gì?"

Có tiếng chuông điện thoại, tôi nhanh chóng bắt máy. Đầu dây bên kia vội vàng nói vài câu, rồi tắt máy. Tôi như chết lặng, tại sao sự việc này đến giờ mới xảy ra? Nó phải diễn ra vào đầu năm lớp 10 chứ?

Tôi bỏ đi ngay lúc tiếng còi bắt đầu hiệp một vang lên.
Nhấn Mở Bình Luận