Lọc Truyện

Truyện Mai Này Tôi Yêu Em


Tôi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên chiếc giường cũ kĩ chật hẹp, lại còn ướt một bên. Tôi nhìn xung quanh là một căn nhà có mái cao, bê tông vững chắc, hai bên thoáng mát, có bàn ghế nhưng cũ kĩ, chắp vá lung tung. Tôi nhìn ra ngoài thì biết mình đang ở gầm cầu. Vỗ vào đầu vài cái cho tỉnh táo, tưởng rằng mình đang ngủ mơ. Hóa ra là thật. Đầu tôi đau như búa bổ, lại còn ê ẩm cả người. Tôi nhớ lại ban sáng có ai đó hỏi tôi rồi dìu tôi đi, nhưng vì mệt nên tôi chẳng phản kháng gì cả và giờ thì nằm ở đây - cái xó gầm cầu lạ hoắc.
  
Tôi hốt hoảng nhìn xung quanh tìm xe, tìm ba lô thì thấy chiếc xe được cất vào một góc, quần áo được phơi đàng hoàng. Tôi xuống giường, đi loanh quanh tìm xem có ai không. Bỗng có tiếng nói của một người đàn ông vang lên:
  
- Dậy rồi à nhóc?
  
Một người đàn ông ngoài 50 đang đi tới, tay xách túi nilon có hai ổ bánh mì và thuốc.
  
- Dạ... ?
  
Tôi ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra.
  
- Thôi dậy đi, ăn rồi uống thuốc. Xong nói chuyện luôn.
  
Ông ấy đi vào gầm cầu, đặt bánh mì lên cái bàn gỗ rồi quay sang cái kệ nhỏ có một tấm ảnh của một người phụ nữ. Ông ấy đốt nén hương lên và cắm vào cái bát sứ, vái lạy vài cái rồi quay lại nói với tôi:
  
- Sáng nay tao đi nhặt ve chai ngoài biển, thấy mày nằm co ro ở ghế đá nên tao cố mà đưa về đây. Không thì mày chết chắc con ạ.
  
- Thế ạ? Con cảm ơn ông.
  
Tôi ngượng người, không dám ngẩng mặt lên nhìn khuôn mặt phúc hậu nhưng khắc khoải của người đàn ông mà tôi nên gọi là ân nhân này.
  
- Ăn đi, vừa ăn vừa nói chuyện.
  
Ông đưa cho tôi một ổ bánh mì thịt, tôi nhận lấy mà rưng rưng nước mắt. Cảm ơn rối rít.
  
- Ăn đi chứ cảm ơn cái gì. Có mày tao bầu bạn cũng đỡ chán. Chứ mười mấy năm qua tao chỉ bầu bạn với ma.
  
- Ơ? Dạ! Ma... ma... thật hả ông? - Tôi hốt hoảng.
  
Ông bật cười hóm hỉnh.
  
- Cái thằng nhát bây. Ma là bả kia kìa. - Ông chỉ tay vào cái bàn thờ nhỏ bé trong góc.
  
- Con gái của ông hả? - Tôi hỏi.
  
- Bậy mày, vợ tao đó. Sao? Đẹp gái không? - Ông cười khoái chí.
  
- Ơ? Vợ ông sao mà... trẻ thế? - Tôi ngạc nhiên.
  
- Hồi hai mươi mấy bảo sao không trẻ mạy.
  
- Thế... bà... mất lâu rồi sao? - Tôi ngập ngừng.
  
- Ừa. Bả bỏ tao mà đi hồi mới cưới. - Ông hạ giọng rồi nhấp một miếng trà đắng, lấy giọng nói tiếp. - Lúc cưới, tao nghèo lắm, bả cũng chịu đi theo tao mà bỏ cha bỏ mẹ. Theo tao ở trong cái nhà nhỏ lụp xụp. Rồi chưa kịp có mụn con nào cho vui nhà vui cửa thì bả đổ bệnh, tao phải lo chạy chữa thuốc men, bán luôn cả nhà cả đất mà chữa cho bả. Trời đâu có thương xót cho, đem bả đi đến nay ngót cũng ba mươi năm rồi.
  
- Thế sao ông không lấy vợ khác?
  
- Cái thằng, nghèo mà con, tay ông đây trắng quá đây này có con ma như bả mới lấy chứ ma nào nữa mà thèm hả con. Với lại... - Ông trầm ngâm. - Hồi đó trước khi bả đi ấy, bả có nói là tao đừng có mà phụ tình, sống vậy mà thờ để bả phù hộ cho.
  
- Ơ, như thế có hơi… ích kỷ không ạ?
  
- Tao đâu có trách gì bả, thương không hết ấy chứ. Với lại tại tao mà... - ông nấc nghẹn vài tiếng rồi mếu như đứa trẻ. - Phải chi… bả không theo tao thì đâu có mất sớm thế, đã đành lại còn mang tội bất hiếu nên tao thấy… tao có lỗi nhiều lắm.
  
Nhìn ông khóc mà tôi không cầm được nước mắt. Thật đau xót!
  
- Thế mỗi tối ông hay trò chuyện với bà hả?
  
Tôi đánh lái sang chuyện khác, tránh ông lại phát khóc nữa.
  
- Ờ, mày nói tao mới nhớ. Cái hồi bả mất thì ngày nào tao cũng thấy bả về nói chuyện với tao, từ hồi bốn mươi chín ngày xong thì bả đi biệt tích luôn. Tối thì tao chỉ nói chuyện một mình.
  
- Con phục ông luôn.
  
Tôi gặm ổ bánh mì mà lòng ray rứt khó tả.
  
- À thế còn mày, sao mày lại nằm đó hả con? - Ông hỏi.
  
Tôi bắt đầu kể lại cái ngày hôm qua, cái ngày mà tôi không thể nào quên trong cuộc đời của mình. Tôi kể đến đoạn bị đuổi ra khỏi trọ mà còn bị cướp tiền trắng trợn thì ông đập bàn rõ to, chửi bậy không ngớt mồm.
  
- Thôi ông, ai sống sao trời biết hết cả. Con không mắng miết rủa xả chi ai.
  
- Sao mày khổ thế con. Lên đây một thân một mình, không biết bao nhiêu thứ gian ác mà lường được. Thế mày tính làm sao đây?
  
- Con tính là đi tìm phòng trọ mới, xin ba thêm ít trăm đặt cọc cho người ta rồi đi làm cái gì đó kiếm dăm ba chục sống tạm. Đợi hết nửa tháng ba cho lại tiền thì mới sống ổn định được.
  
- Mày tính đúng đấy, nhưng lòng người khó đoán con ạ, gian ác thì đầy rẫy ra kia kìa chứ tốt thì bao nhiêu. Thôi thì mày nếu thấy không tệ thì cứ ở đây với ông cho vui. Đặng tao cũng có người bầu bạn, chứ một mình mấy chục năm qua tao toàn nghe tiếng ếch nhái không à.
  
- Dạ... nhưng...
  
- Nhưng nhị cái gì? Cứ ở đây, một ngày tuy làm không ra bao nhiêu nhưng tao lo ăn cho mày đủ. Chỉ sợ mày chê cái gầm cầu này! - Ông liền bật cười hiền hậu, tỏ ý trêu tôi.
  
- Vậy thì con xin ở tạm đây, tiền ăn thì con xin phép được bù vào cùng ông ăn cho no đủ chứ con ngại ăn ké người khác lắm.
  
- Ờ thì thôi mày nói vậy cũng được đi. Mà mày tên gì con nhỉ?
  
- Con tên Phong, tên đủ là Trần Hàn Phong.
  
- Ôi dào, cha mày đặt tên dị thế con. Thế khác nào phong hàn đâu. Phải đổi tên con ạ. Chứ kẻo mày ngủ ở đây tối ông trúng gió lạnh mà chết thì mệt.
  
Tôi bật cười theo ông ấy, hiếm khi lại vui với người lạ mà lớn tuổi như thế này. Tôi chợt nảy ra một suy nghĩ, liền nói ngay.
  
- Hay con gọi ông là ông nội nha, dẫu sao ông cũng lớn tuổi, lại cưu mang con đêm qua, khác nào ông cho con cái mạng này lần nữa vậy!
  
- Cái thằng, mới bây lớn mà ăn nói già dặn. Cứ kêu sao cũng được, tao đây thèm con thèm cháu lắm rồi.
  
Tiếng cười giòn tan ở gầm cầu ngoại ô thành phố. Cũng tốt, ở cái chỗ này tránh được những thứ rắc rối xô bồ trong thành phố. Và có lẽ, đây sẽ là nơi tôi trốn tránh mọi thứ mỗi khi tôi cảm thấy tuyệt vọng nhất! Ông bảo tôi uống thuốc rồi hẵng đến trường. Tôi nghe lời rồi lên xe vọt chạy đến trường cho kịp giờ.
  
Vào trường, tôi dắt xe vào bãi sao ai cũng nhìn chằm chằm vào tôi. Mặt dính lọ nghẹ hả?
  
Tôi đi một mạch về lớp, vừa vào thì tụi nó nhìn tôi không chớp mắt. Tôi đoán chắc là mấy miếng băng keo trên người đây mà. Chẳng quan tâm lắm đâu. Tôi làm mặt lạnh, đi thẳng về chỗ ngồi, vắt hai chân lên bàn tréo lại, đút tay vào túi quần và ngã cái ghế vào vách mà huýt sáo, vẻ mặt rất nghênh đời.
  
Chúng nó vẫn chưa thôi nhìn thì thằng Huy chạy vào, thấy tôi nó mừng như được vàng, vội nhào tới thì đứng khựng lại, đưa hai tay lên vò đầu:
  
- Trời ơi! Mày sao thế Phong? - Nó hét lên.
  
- Ờ té xe!
  
Tôi đáp gọn lỏn, làm điệu bộ bình thường như không hề có gì xảy ra. Tiếp tục huýt sáo và ngó ra cửa sổ.
  
- Té xe cái quái gì mà bầm cả con mắt thế kia hử? - Nó sấn tới ngồi vào chỗ, cười nham nhở. - Hay đánh nhau vì gái đấy?
  
Nghe nó nói bầm mắt thì tôi giật mình.
  
- Ơ? Bầm mắt thật à? Mắt nào? Trái hay phải? To không?
  
Tôi hỏi cuống quít khiến nó cũng khá bất ngờ.
  
- Thế mày không biết thật hả?
  
- Tao không hề biết. Quái, chuyện gì vậy?
  
- Mày bị sao hỏi tao. Ơ hay nhể!
  
Hai thằng khó hiểu nhìn nhau, ngoác cái mồm ra. Tôi dùng điện thoại soi soi mắt mình, nhưng có thấy cái gì đâu.
  
- Thằng ngu. Đưa đây tao chụp cho mà xem, camera làm cái gì mà không tận dụng.
  
Nói rồi thằng Huy giật phắt cái điện thoại, bấm bấm rồi đưa lên chụp nghe rõ tiếng "tách".
  
- Nè, ngay cái đuôi mắt.
  
Nó chìa điện thoại ra, cái mặt nó ngáo ngáo nhìn tôi nghi hoặc. Tôi hét lên:
  
- Cái quái gì vậy trời?
  
Bọn con gái giật mình quay lại nhìn, rồi lẩm bẩm cái gì đó.
  
- Ê Phong. Tụi kia nói mày bị quả báo kìa.
  
Thằng Huy hất hàm sang ba nàng õng ẹo dãy bên kia. Tôi nhìn theo thì mấy nhỏ vội né tránh, thờ ơ như vô tội.
  
- Kệ! À mà giờ tao mới biết là bị bầm chỗ này.
  
- Ủa, chứ sáng mày không rửa mặt à? - Nó hỏi.
  
- Rửa rồi nhưng không cái chạm tới đó với lại không có soi gương.
  
- Thế mày không chải tóc luôn chứ gì?
  
- Ờ, chải chi cho mệt. Nhúng tay vô nước, đưa lên vuốt vuốt vài đường là thẳng nếp ngay.
  
- Bái phục bái phục.
  
Tôi đang mãi chém gió với Huy Béo thì Hưng lớp trưởng cất giọng rất trịnh trọng, nói:
  
- Đã đến giờ, mình đề nghị các bạn vào lớp ổn định chỗ ngồi và đợi cô Vân lên rồi làm lao động. Xong sớm nghỉ sớm. Riêng phó lao động sẽ ở lại kiểm tra và đợi báo cáo tổ công tác chấm lao động đi khảo sát.
  
Cả lớp thôi ồn, nhìn cái thằng đang đứng trên bục giảng, tay cầm một quyển sổ tay nhìn rất ra dáng cán bộ.
  
- Phó lao động!
  
Từng tiếng một được thằng Hưng gắt lên, giọng rất trịch thượng.
  
Tôi làm bộ không quan tâm và giả ngu rằng tôi không biết mình là phó lao động. Tiếp tục chém gió với thằng Huy.
  
- Phó lao động! Tôi bảo ông có nghe không hả?
  
Nó gằn chữ "hả" rõ to lên, chắc cũng phải căng hết cả cơ mặt. Tôi biết lúc này cả lớp đang nhìn tôi, Huy Béo cũng trố mắt nhìn tôi đang luyên thuyên nói về game, cả nhỏ Mai cũng đang nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên và hối hả.
  
- Trần Hàn Phong!
  
Hưng lớp trưởng lại gắt lên từng tiếng một, nghe mà thích thú vô cùng.
  
- Ơ! Sao thế Hưng? Nãy giờ sao réo ai ghê vậy rồi còn gọi tên mình nữa?
  
Tôi đứng dậy tỏ vẻ ngây thơ, hỏi Huy Béo, hỏi mấy đứa trong lớp: Và tôi nhìn thằng Hưng đang sôi máu trừng tôi với ánh mắt toé lửa. Tôi gãi đầu tỏ vẻ khó hiểu.
  
- Tôi bảo ông, tí lao động xong phải ở lại kiểm tra và đợi báo cáo tổ chấm lao động của trường.
  
Nó cố nén giận, bình tĩnh mà nhắc lại. Tôi thì cười thầm trong bụng.
  
- Sao lại là mình chứ? Mình có vi phạm gì đâu?
  
Lúc này thằng Huy cười khúc khích với cả nhỏ Mai cũng che miệng cười. Tôi nghĩ là họ đoán ra cái trò giả nai xấc xược của tôi rồi.
  
- Ông là phó lao động? Ông không biết à?
  
- Ơ mình có biết gì đâu. Này, sao không ai báo cho mình biết thế. Để lớp trưởng réo tên mình mãi thế kia. Vậy thôi Phong biết rồi nha, tí xong việc nhớ gọi mình dậy, ngủ một tí đây.
  
Nói rồi tôi ngồi xuống gục mặt vào bàn mà cười khằng khặc, thằng quỷ Huy cũng cười theo nhưng cả hai chẳng dám cười to.
  
- Tao lạy mày, mày chọc nó chi vậy?
  
- Hách dịch quá tao cho nó một bài học chứ sao. Nhìn láo lếu thật!
  
- Phong! - Mai gọi tôi.
  
- Gì đấy?
  
Tôi ngừng cười, ngồi thẳng dậy nhìn cô ấy.
  
- Sao Phong chọc Hưng thế, đỏ cả mặt luôn rồi kìa.
  
- Ờ, ai biểu hách dịch quá chi.
  
- Nhưng không khéo bạn ấy kiếm chuyện với Phong đấy.
  
- Tui thách nó!
  
Đúng lúc thì thằng Hưng lại lên tiếng:
  
- Tôi không ngờ rằng trong cái lớp này mà cũng có… một kẻ đầu trộm đuôi cướp.
  
Cả lớp liền nhao lên, xì xào rồi đua nhau mà hỏi thằng Hưng
  
- Là ai? Chuyện gì vậy?
  
Tôi chợt hiểu điều gì sắp xảy ra, ngồi thẳng dậy và ngó cái bộ mặt lếu láo của nó đang cười đắc chí với thằng Thái bí thư.
  

Nhấn Mở Bình Luận